Chi tiết Blog

Phân biệt tia UVA và tia UVB

Hàng ngày, chúng ta đều phải tiếp xúc với tia tử ngoại, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Tia UV có tác hại lớn lên cơ thể con người, lại còn hiện hữu hàng ngày dưới ánh sáng mặt trời nên việc tìm hiểu về tia UV chính là phương pháp tốt nhất để biết cách bảo vệ cho da và cơ thể trước ánh nắng.

Các loại tia UV

Bức xạ tia cực tím (UV) là một phần của phổ bức xạ điện từ từ mặt trời xuống  Trái Đất. Nó có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nên chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các bước sóng này được phân loại thành UVA, UVB, UVC.

- UVA có bước sóng 380-315 nm, có năng lượng thấp nhất

- UVB có bước sóng 315-280 nm có năng lượng trung bình

- UVC có bước sóng 280-100 nm, năng lượng cao nhất.


Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% ánh sáng mặt trời là tia UV, và chỉ 1/3 trong số này là có khả năng thâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất. Trong số những tia UV có thể đến được Trái Đất, thì có 95% là tia UVA và 5% là tia UVB. Chưa có nghiên cứu hay đo lường nào cho thấy sự xuất hiện của tia UVC trong khí quyển của Trái Đất, vì tầng ozon, phân tử oxy và hơi nước ở tầng khí quyển trên đã hấp thụ toàn bộ các tia UV với bước sóng ngắn nhất này.

Lợi ích của tia cực tím

Tia cực tím UVB hỗ trợ quá trình tổng hợp vitamin D trong cơ thể vào sáng sớm bằng cách quang phân 7-dehydrocholesterol thành tiền vitamin D3. 

Tác hại của tia UVB

Tia UVB có thời gian hoạt động như sau:

- Khoảng trước 10h sáng và sau 2h chiều: chiếm 1% lượng tia cực tím chiếu xuống Trái Đất.

- Từ khoảng 10h sáng đến 2h chiều: chiếm 5%.

Tia UVB là nguyên nhân chính gây ra cháy nắng. Về cơ bản, cháy nắng là phản ứng tự vệ tự nhiên của cơ thể. Da chứa các tế bào sắc tố là melanin. Melanin hấp thụ tia cực tím và biến nó thành nhiệt. Khi cơ thể cảm nhận được nhiệt từ ánh sáng mặt trời, melanin được kích thích sản sinh phân bố đến các tế bào xung quanh và cố gắng bảo vệ chúng khỏi những tổn thương. Điều này khiến cho da trở nên tối màu hơn.  


UVB không thể xuyên hết qua kính nên cũng làm giảm lo ngại. Tuy nhiên, thủ phạm làm ảnh hưởng da của bạn thầm lặng chính là tia UVA.

UVA có tác động như thế nào lên da người?

Tia UVA hoạt động trong khoảng thời gian như sau:

- Từ trước 10h sáng – sau 2h chiều chiếm khoảng 99% lượng tia cực tím chiếu xuống mặt đất.

- Từ khoảng 10h – 2h chiều chiếm 95%.

Tuy năng lượng thấp nhưng tia UVA chính là thủ phạm gây ra lão hóa da với tỉ lệ bức xạ cực tím nhiều nhất do chúng dễ dàng xuyên qua tầng ozone của Trái Đất, các lớp kính, quần áo mỏng.

Tia UVA cũng có khả năng thâm nhập da sâu hơn UVB, phá hủy các tế bào da ở lớp biểu bì đáy tên là keratinocyte (tế bào sừng.) Các tế bào sừng ở lớp đáy phân chia, biệt hóa và di chuyển dần ra lớp sừng ngoài cũng rồi bong ra được gọi là quá trình sừng hóa. Quá trình này diễn ra liên tục, giúp da được liên tục thay mới và đảm bảo chức năng bảo vệ cơ thể. Các tế bào sừng bị phá hủy sẽ không thể thay mới da, khiến da không được bảo vệ, lão hóa và dẫn dần đến nguy cơ ung thư da. Bên cạnh đó, UVA cũng góp phần gây nám da.


Ngoài ảnh hưởng đến da, khi ra nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím có khả năng gây các chứng bệnh mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc và cườm mắt - làm lòa hay mù mắt.

Chỉ số chống nắng SPF và PA

Để bảo vệ da khỏi bức xạ cực tím, hàng loạt kem chống nắng với chỉ số SPF được tung ra trên thị trường. SPF (Sun Protection Factor) là thước đo số phút trung bình làn da được bảo vệ của kem chống nắng khỏi tia UVB - loại tia cực tím gây ra cháy nắng da và góp phần gây ung thư da. Theo định mức quốc tế, thì 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Chỉ số SPF có trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100.

Tuy nhiên SPF chỉ chú trọng vào thời gian và mức độ chống tia UVB, chính vì vậy mà hiện nay thị trường kem chống nắng tập trung chống nắng quang phổ rộng cho cả UVA và UVB. Các loại kem chống nắng này thường có nhãn PA (Protection factor of UVA) trên thân chai, với dấu cộng phía sau thể hiện sự hiệu quả của sản phẩm.

Bảo vệ cơ thể trước tia cực tím

- Khuyến khích hoạt động ngoài trời trước 10h sáng và sau 4h chiều để tránh cường độ UV cao.

- Mặc quần áo có chỉ số chống nắng UPF cao, đội mũ rộng vành và đeo kính mát chống nắng để bảo vệ mắt.

- Sử dụng kem chống nắng quang phổ rộng với chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn mỗi ngày. Nếu bạn hay hoạt động ngoài trời, hãy thoa loại kem chống nắng quang phổ rộng chống trôi với chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn.

- Thoa kem chống nắng 15 - 30 phút trước khi đi ra ngoài. Kem nên được thoa lại liên tục mỗi hai giờ nếu cường độ tiếp xúc tia UV quá nhiều.

Nguồn tổng hợp

Share:

Viết một bình luận